CHUYÊN TRANG QUAN HỆ CỔ ĐÔNG

engusEnglish

MWG lọt Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023

Ngày đăng: 31/10/2023 Lượt xem: 947

Ngày 22/9/2023, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023.

Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2023 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 8/2023.

Bán lẻ theo sát nhịp chuyển động của kinh tế vĩ mô

Kể từ quý IV/2022 đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam đã trải qua những tháng ảm đạm. Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành chịu áp lực nặng nề từ sức cầu yếu do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình xuất khẩu khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, cộng hưởng với gánh nặng từ môi trường lãi suất cao và tín dụng thắt chặt bởi các công ty tài chính tiêu dùng. 


Nguồn: Vietnam Report tổng hợp dữ liệu từ Tổng cục Thống kê

Bước sang những tháng cuối năm 2023, song hành với những tín hiệu khả quan, tháng sau tích cực hơn tháng trước của nền kinh tế, hai phần ba số doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng rằng tình hình thị trường bán lẻ sẽ phần nào có cải thiện hơn so với nửa đầu năm, dù sự phục hồi chưa thực sự rõ rệt và tốc độ khá chậm chạp. Trong khi đó, một phần ba số doanh nghiệp còn lại có góc nhìn tiêu cực hơn cho rằng, với dư âm tiêu cực của giai đoạn tiêu thụ yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn sẽ dai dẳng. Do đó, sự phục hồi cần nhiều thời gian hơn và nhiều khả năng sang nửa cuối năm 2024 mới quay trở lại bình thường.

Làn gió thuận - nghịch trong những tháng cuối năm

Trong phần còn lại của năm, nhìn chung, các áp lực đối với doanh nghiệp bán lẻ khá tương đồng với nửa đầu năm đã qua. Câu chuyện sức mua yếu và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự trì trệ của nền kinh tế chưa thể một sớm một chiều được giải quyết và tiếp tục là hai mối lo chính với sự đồng thuận của lần lượt 100,0% và 92,9% số doanh nghiệp. Trong khi đó, sức nóng từ môi trường cạnh tranh gay gắt trong ngành thể hiện qua các cuộc chiến giá nửa đầu năm dù có dịu bớt trong nửa cuối song vẫn thuộc top 3 thách thức lớn nhất được doanh nghiệp điểm tên.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, sức ép lên tỷ giá gia tăng trong thời gian gần đây, với tác động từ sự ngược chiều của chính sách tiền tệ trong và ngoài nước cũng như thanh khoản tiền đồng dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu. Trước tình trạng này, 42,9% số doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ lo lắng và nhận định biến động tỷ giá là khó khăn lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, biến động tăng cao đột ngột của thị trường ngoại hối được dự báo chỉ mang tính chất ngắn hạn. Chênh lệch lãi suất nội - ngoại tệ sẽ dần thu hẹp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và các yếu tố nội tại của Việt Nam như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng tương đối ổn định (mức vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2023 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022), cán cân thương mại hàng hóa từ đầu năm đến nay ước tính xuất siêu 16,26 tỷ USD và tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh những tháng cuối năm, trong bối cảnh sản xuất dần phục hồi.

Dù vẫn có những lo lắng nhất định về rủi ro lạm phát, chi phí lãi vay, chi phí vận hành cao hay lượng hàng tồn kho lớn nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá đây là những thách thức lớn nhất phải đối mặt trong nửa cuối năm giảm so với 6 tháng đầu năm. Điển hình là áp lực từ chi phí lãi vay cao và tồn kho lớn so với cùng kì được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ lắng xuống trong hai quý cuối năm, nhờ các điều kiện kinh tế vĩ mô dần cải thiện khi nhiều quyết sách được đưa ra để kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ cũng như người tiêu dùng.

Hình 3: Top 6 khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023

Có thể nói, lực đẩy từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là một trong những cơ sở quan trọng cho kỳ vọng vững vàng vượt qua thời điểm khó khăn, đưa tỷ suất lợi nhuận sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023 của các doanh nghiệp bán lẻ. Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 có thể giúp khôi phục dần tín dụng tiêu dùng sau khi nợ xấu được kiểm soát cũng như giảm một phần áp lực vay nợ của các doanh nghiệp ngành bán lẻ trong nửa cuối năm 2023. Cùng với đó, chính sách tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 01/7/2023 và giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% góp phần tăng sức cầu nền kinh tế, qua đó tác động trực tiếp đến doanh số kỳ vọng của các doanh nghiệp bán lẻ thời gian tới. Doanh nghiệp sẽ giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa, đồng thời gia tăng sức mua của khách hàng.

Ngoài ra, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dần hạ nhiệt tại Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, gánh nặng tiêu dùng sẽ không chỉ được giải tỏa tại thị trường này mà tác động lan tỏa toàn cầu. Các đơn hàng mới từ thị trường xuất khẩu chính được kỳ vọng tăng tốc từ nửa cuối 2023 sẽ giúp giảm bớt lo ngại về lạm phát, thất nghiệp và kinh tế suy thoái, từng bước ổn định thu nhập và đưa Việt Nam bước vào chu kỳ tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, mùa mua sắm cuối năm cũng sẽ kích thích nhu cầu mua sắm sôi động của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ cải thiện bức tranh kinh doanh và có thể lấy lại đà tăng trưởng.

Xét về trung và dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Quy mô thị trường hiện lên tới 142 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD trong vài năm tới. Sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay và xu hướng ngày càng tăng trong tương lai sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành bán lẻ. Một điều kiện thuận lợi khác là Việt Nam đang ở thời kỳ đỉnh cao của lợi tức nhân khẩu học. Dân số đông và trẻ với 100 triệu dân, quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, cơ cấu dân số ở độ tuổi vàng, với trên 60% nằm trong độ tuổi lao động, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đang thúc đẩy tầng lớp tiêu dùng trong những năm gần đây. Nhìn chung, về dài hạn, dư địa phát triển của ngành bán lẻ sẽ ngày càng rộng lớn. Nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập trung bình ngày càng tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam.

Khuynh hướng tiêu dùng

Trong bối cảnh thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua, bất kỳ “nước cờ” nào của các doanh nghiệp bán lẻ cũng đòi hỏi hiểu biết sâu sắc về chuyển dịch trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng và khả năng xác định nhạy bén các xu hướng mới. Trong khi đó, biến động về điều kiện kinh tế - xã hội trong và ngoài nước giai đoạn vừa qua, cùng với tốc độ nhanh và mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự thay đổi về nhân khẩu học của tầng lớp tiêu dùng tạo nên nhu cầu ngày càng mở rộng và đa dạng, có thể kéo theo những tác động lớn đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng và ngành bán lẻ.

Top 5 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm

Hình 4: Top 5 ưu tiên của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát người tiêu dùng ngành bán lẻ, tháng 8/2023

Sự gia tăng áp lực tài chính thời gian qua đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có chọn lọc hơn, áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để tiết kiệm chi phí, song lý trí hơn trong việc đánh đổi giữa giá cả và các thuộc tính khác của sản phẩm. Kết quả khảo sát người tiêu dùng được thực hiện vào tháng 8 năm 2023 của Vietnam Report cho thấy khía cạnh về chất lượng sản phẩm (53,4%), sự đa dạng hàng hóa (47,2%) và danh tiếng của các nhà bán lẻ (41,5%) là những ưu tiên hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi mua hàng, theo sau là các chương trình ưu đãi (37,3%) và vị trí địa lý của cửa hàng (34,7%).

Thực tế, ở bất kỳ thời điểm nào, giá cả luôn là mối bận tâm của người tiêu dùng. Trong các giai đoạn khó khăn, yếu tố giá cả càng được chú trọng và là vấn đề nhạy cảm với sức mua. Không những thế, với việc ngày càng có nhiều lựa chọn, người tiêu dùng không chỉ so sánh giá của các sản phẩm khác nhau mà còn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất từ nhiều cửa hàng khác nhau và trên các kênh mua hàng khác nhau. Do đó, dù không là ưu tiên số 1 nhưng việc có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại, hỗ trợ người tiêu dùng vẫn nằm trong top 5 các ưu tiên khi lựa chọn nơi mua sắm của khách hàng.

Với ý thức rõ hơn về giá trị, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, từ công dụng, nguồn gốc, hạn sử dụng hay độ an toàn… để đảm bảo nhận được giá trị tốt nhất cho số tiền mình bỏ ra. Bên cạnh đó, cung cấp đa dạng hàng hóa đã trở thành một yếu tố gây dựng sức cạnh tranh mạnh mẽ của doanh nghiệp bán lẻ, thông qua việc cho phép người tiêu dùng tìm kiếm và so sánh các sản phẩm để tìm ra sự lựa chọn phù hợp nhất với nhu cầu và sở thích của mình. Đáng chú ý, so với kết quả khảo sát năm 2022, yếu tố liên quan đến danh tiếng và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bán lẻ đã gia tăng sức ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn nơi mua sắm của người tiêu dùng khi tỷ lệ khách hàng đặt ưu tiên cho khía cạnh này tăng mạnh từ 11,1% lên 41,5%. Người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên mua sắm ở những nơi có độ phủ thương hiệu lớn, nổi tiếng trong ngành, danh tiếng tốt về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, và đạo đức kinh doanh, được thể hiện qua nhiều kênh, chẳng hạn như các chứng chỉ chất lượng, đánh giá tích cực từ khách hàng trước đó… Ngoài ra, địa điểm gần nhà/nơi làm việc và thuận tiện đi lại là ưu tiên quan trọng của người tiêu dùng khi lựa chọn nơi mua sắm vì mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, cũng như cơ hội kiểm tra sản phẩm trực tiếp trước khi mua.

Chiến lược thích ứng

Theo guồng quay nhanh của môi trường kinh doanh với tác động mạnh mẽ từ những tiến bộ công nghệ, gia tăng cạnh tranh, bùng nổ dữ liệu và thị hiếu mới của khách hàng, doanh nghiệp bán lẻ cũng chủ động có những động thái xoay trục chiến lược để thích ứng và thay đổi với xu thế thời cuộc, sự thay đổi về thói quen và văn hóa của người tiêu dùng.

Hình 5: Top 6 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp bán lẻ trong năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ, tháng 8/2023

Với mục tiêu củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ, đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng, chiến lược đa kênh được coi là ưu tiên hàng đầu đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Khi việc thu hút và giữ chân khách hàng trở nên khó khăn trước tình trạng chi tiêu hạn hẹp, các nhà bán lẻ cần tận dụng điểm mạnh và lợi thế của tất cả các hình thức bán lẻ. Việc tái tạo các kênh phân phối có thể sẽ tạo ra những thay đổi tích cực. Trong khi nền tảng trực tuyến có khả năng tiếp cận rộng rãi với các đối tượng khách hàng, các cửa hàng thực tế lại mang lại các giá trị vô hình từ trải nghiệm, đặc biệt đối với phân khúc cao cấp. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng rằng, các kênh này sẽ bổ trợ cho nhau và việc vận hành đa dạng các kênh bán hàng sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình, tăng khả năng tương tác cũng như tận dụng tối ưu nguồn dữ liệu của khách hàng để có thể cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hiệu quả hay khuyến mãi cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua sắm… Việc tạo ra một trải nghiệm mua sắm liền mạch, cũng như cho phép người tiêu dùng lựa chọn kênh họ yêu thích để nghiên cứu sản phẩm, mua hàng và nhận hàng sẽ thúc đẩy sự hài lòng và xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa khách hàng và thương hiệu.

Nhận thức rằng sức chi tiêu yếu vẫn là một vấn đề lớn trong thời gian tới, 63,9% số doanh nghiệp trong ngành cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện chính sách giá cạnh tranh, chương trình thành viên… để cải thiện sức mua. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều có hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp cũng tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, ứng dụng công nghệ, dữ liệu để tìm hiểu sở thích và phản ứng của người tiêu dùng đối với các chiến lược quảng cáo khác nhau nhằm xây dựng một kế hoạch khả thi. Song song với đó, chú trọng đến kiểm soát chi phí để tối ưu lợi nhuận là một giải pháp quan trọng được doanh nghiệp bán lẻ chỉ ra trong năm nay. Với điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn, hướng tập trung phát triển theo chiều sâu, tối ưu chi phí vận hành cửa hàng, tồn kho, danh mục hàng hóa và chi phí logistics, tiết kiệm và sẵn sàng cắt giảm chi phí hoạt động của những cửa hàng hoạt động không hiệu quả được cho là chiến lược mang tính thiết thực.

Tác động từ những khó khăn trong giai đoạn vừa qua cũng ảnh hưởng phần nào đến nguồn vốn và chi phí dành cho việc tăng cường số hóa các hoạt động vận hành của doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp vẫn khẳng định, đây là xu thế tất yếu. Tuy có thể khiến chi phí tăng lên, song về lâu dài sẽ giúp các nhà bán lẻ cắt giảm chi phí và giảm rủi ro vận hành. Do đó, dù có tỷ lệ doanh nghiệp ưu tiên giảm 7,7% so với khảo sát năm ngoái, chiến lược này vẫn duy trì vị trí trong top 3 chiến lược trọng tâm của doanh nghiệp.

Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là "an toàn" khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Trong số doanh nghiệp được nghiên cứu có 56,7% doanh nghiệp đạt ngưỡng trên 20%; 66,7% doanh nghiệp đạt được mức 10%, giảm lần lượt 14,8% và 13,8% so với kỳ nghiên cứu của năm 2022. Những vụ việc liên quan tới lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn trong năm vừa qua đã phần nào kéo chất lượng thông tin của các doanh nghiệp ngành bán lẻ đi xuống trong năm 2023.

Nhìn chung, trong bối cảnh còn nhiều ẩn số tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, thị trường bán lẻ và vị thế của các nhà bán lẻ có thể sẽ còn nhiều biến đổi. Việc cạnh tranh bằng lợi thế cốt lõi, bắt nhịp nhanh với các thay đổi trong bức tranh tiêu dùng, tận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ và điều chỉnh chiến lược tăng trưởng phù hợp với những xu hướng vận động của thị trường không chỉ đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thấp điểm tiêu dùng mà còn định vị thành công của doanh nghiệp khi bước sang chu kỳ tiêu dùng mới.